“Bắt bệnh” Vespa cổ: các hư hỏng về bu-gi

Dân đi Vespa vẫn hay có câu: “Thứ nhất là tại bu-gi, thứ 2 là tại cái gì bên trong”. Vậy làm thế nào khi bu-gi của Vespa bị hỏng?

Không tự nhiên mà những kẻ chơi Vespa cổ lại nói như thế khi chiếc xe của mình đột nhiên không nổ được máy. Dù đã nghiêng xe, đã đạp nhồi, đã đổ mồ hôi giữa trời lạnh giá đạp lấy đạp để mà xe vẫn không chịu nổ. Trong khuôn khổ bài viết này, Đẹp sẽ đề cập đến các vấn đề hỏng hóc liên quan đến bu-gi.

Tổng quát về bu-gi

Bu-gi là bộ phận tạo ra tia lửa điện trong buồng đốt để đốt cháy hỗn hợp không khí-xăng từ chế hòa khí (bình xăng con) được nạp vào xi-lanh. Môi trường làm việc khắc nghiệt với nhiệt độ có thể lên tới 2.500 độ C, hoạt động trong thời gian dài và tất nhiên tình trạng bu-gi sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ.

 

Hiện nay có khá nhiều loại bu-gi, có loại chân ngắn, chân dài, loại 1 chấu, 2 chấu, hay 4 chấu. Theo khuyến cáo của một số lão làng đi Vespa cổ thì nên dùng loại bu-gi platinium 1 chấu của các hãng như Bosch, NGK hay Denso. Do đó, điều tiên quyết là bạn phải chọn được cho mình một chiếc bu-gi phù hợp với xe. Hơn nữa, việc kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ bu-gi cũng rất quan trọng, thông thường sau khoảng 5.000km chạy xe thì nên bảo dưỡng.

Cách lắp và tháo bugi

Nếu một lúc nào đó chiếc xe của bạn bỗng nhiên lăn đùng ra không nổ được, kiểm tra xăng vẫn đầy, vẫn xuống chế, kiểm tra các công tắc, dây nối cuộn điện vẫn không đứt thì nguyên nhân có thể là do bu-gi. Bạn tháo đầu tẩu của bu-gi ra, sau đó để cách đầu điện bu-gi chừng 0,3cm và đạp nổ, nếu vẫn có điện đánh sang cực thì có nghĩa là điện của bạn tốt, lúc này cần mở bu-gi ra để kiểm tra.

Việc tháo lắp bu-gi không đúng cách có thể làm hỏng ren bu-gi hoặc ren ở đầu xi-lanh. Khi lắp, bạn phải vặn bu-gi vào lỗ ren bằng tay cho tới khi lồng-đèn đệm trên thân chạm vào mặt của lỗ ren trên xi lanh, sau đó siết chặt bu-gi với lực vừa phải (thường với bu-gi mới sau khi đã siết chặt bằng tay thì siết thêm ½ vòng, bu-gi cũ là ¼ vòng). Khi tháo bu-gi cần lựa chọn tuýp lục giác đúng khít với các cạnh trên thân nếu không sẽ xẩy ra hiện tượng trượt và làm hỏng lục giác này. Không để tuýp bu-gi lệch nghiêng so với thân, điều này có thể làm gãy ren hoặc điện cực.

Nhìn bu-gi đoán bệnh

Khi tháo bu-gi ra, chúng ta cần quan sát hết một lượt xem đầu điện cực có bị gãy, chỗ sứ cách điện có bị nứt hay sứt mẻ gì không. Sau đó tiến hành nhìn đầu bu-gi để đoán bệnh của xe.

Bu-gi có màu vàng nâu hay đỏ gạch: Bu-gi có màu này chứng tỏ động cơ hoạt động bình thường, tỷ lệ không khí – nhiên liệu đúng tiêu chuẩn.

Bu-gi có màu đen và khô: Màu đen do các muội than bám lên đầu điện cực, nếu bu-gi có màu này thì chứng tỏ chế hòa khí chưa chuẩn tỷ lệ nhiên liệu – không khí dẫn đến tình trạng đốt không hết nhiên liệu (nghĩa là thừa xăng hoặc nhớt và thiếu gió). Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể là: điện cấp cho bu-gi bị yếu, ma vít bị rỗ, bu-gi sai tiêu chuẩn, chế hòa khí chỉnh chưa chuẩn bị thừa xăng thiếu gió, lọc gió bị bẩn, áp lực nén buồng đốt thấp (hở xéc-măng).

Bu-gi có màu đen và ướt: Đây là hiện tượng thừa xăng hoặc điện bị yếu, cũng có nguyên nhân khác làm nên hiện tượng này là nhớt từ buồng máy bị rò rỉ qua phớt và chảy vào buồng đốt (nhớt 4T). Khắc phục hiện tượng này bằng cách căn chỉnh lại xăng gió ở chế hòa khí, kiểm tra điện xem có bị chạm mát hoặc cuộn điện có vấn đề gây nên lửa yếu. Cũng có thể do hai đầu điện cực bu-gi sát nhau hoặc sứ cách điện không tốt gây đánh điện không mạnh.

Bu-gi có màu trắng xám: Hiện tượng này có thể do việc thiếu xăng hoặc nhớt làm nhiệt độ buồng đốt quá mức cho phép, hoặc bị thừa quá nhiều không khí. Khắc phục hiện tượng này bằng cách chỉnh lại vít xăng gió trên chế hòa khí.

Bu-gi bị mòn cực tâm: Hiện tượng này có thể do bu-gi có khoảng nhiệt không phù hợp, tỷ lệ xăng – gió chưa chuẩn, quạt gió không đủ làm mát động cơ hoặc thiếu nhớt bôi trơn.

Bu-gi có khoảng đánh lửa lớn hoặc nhỏ: Do quá trình hoạt động lâu ngày, khoảng đánh lửa bu-gi có thể lớn gây nên điện yếu hoặc hỏng mô-bin sườn, nếu khe lửa hẹp thì tia lửa không đủ lớn để đốt cháy hỗn hợp, xe không bốc và tốn xăng. Do đó cần căn chỉnh lại khe lửa cho phù hợp, thông thường khoảng cách giữa 2 điện cực (khe lửa) từ 0,7mm – 0,9mm.

Trường hợp đầu đánh lửa quá mòn, sứ cách điện bị nứt, vỡ hay mẻ thì cần phải thay bu-gi mới.

Thử bu-gi

Sau khi đã kiểm tra kỹ tình trạng bu-gi, tiến hành đánh sạch nếu bị bẩn hoặc thay bu-gi mới nếu cần thiết. Tiếp theo cần thử bu-gi xem tình trạng đánh điện. Cắm đầu cực từ mo-bin và đầu bu-gi, kề vỏ ngoài bu-gi vào thân máy, đạp cần khởi động rồi quan sát tia lửa. Tia lửa phải đánh mạnh, tập trung vào giữa hai cực. Nếu lửa nhỏ, phóng ra phía xung quanh chứng tỏ bu-gi yếu (hoặc sứ cách điện hỏng) và phải thay thế.

Sau khi đã căn chỉnh lại xăng gió, khắc phục các hiện tượng ảnh hưởng tới bu-gi thì lắp bu-gi theo hướng dẫn ở trên, đạp nổ, lắng nghe tiếng máy, để nổ dạng garanti một lúc, sau đó mở bu-gi ra lần nữa để kiểm tra xem đã chỉnh đúng các thông số nhiên liệu, điện, không khí.

The post “Bắt bệnh” Vespa cổ: các hư hỏng về bu-gi appeared first on Tạp chí Đẹp.

Phấn nụ bà tùng
Phấn nụ
Phấn nụ hoàng cung
Phấn nụ cung đình
số 12 đường C12 (662 Cộng Hòa) P. 13 Q. Tân Bình
https://ift.tt/2LnUlD4

Nhận xét