Bước vào kênh Youtube của Khoai Lang Thang (Đinh Võ Hoài Phương), bạn sẽ choáng ngợp vì những chuyến ngao du với số lượng “khủng” của anh. Nhưng điều nổi bật hơn hết là 2/3 trong số đó đều là hành trình vòng quanh bản đồ hình chữ S. Hơn 800 ngày đi khắp Việt Nam, những chuyến đi nối dài, Bắc Trung Nam đều lưu lại dấu chân và tiếng cười của Khoai. Trong các video và qua chia sẻ của Khoai, Việt Nam hiện lên không chỉ đẹp đến nức lòng, mà còn truyền đi một thông điệp, rằng: Không chỉ thế giới mới cần khám phá, quê hương mình mới xứng đáng để chúng ta hết lòng hết dạ hơn cả.
Những địa danh nào ở Việt Nam khiến anh phải đến ít nhất một lần trong năm?
Hà Giang và miền Tây. Miền Tây là nơi tôi sinh ra nên chỉ suy nghĩ trở về thôi cũng khiến tôi thấy hạnh phúc và xúc động. Với Hà Giang, tôi bị chinh phục hoàn toàn bởi cảnh vật, núi non hoang sơ, trùng điệp và hùng vĩ. Vùng đất ấy giúp tôi tìm thấy được cảm giác bình yên lạ kỳ, nên cứ như vậy bước vào trái tim tôi.
Còn nơi nào mà anh rất muốn đến nhưng vẫn chưa có cơ hội?
Hang Sơn Đoòng là địa điểm tôi muốn đến khám phá trong tương lai. Đây là hang động tự nhiên kỳ vĩ xếp vào hàng bậc nhất thế giới, nên nếu không đến thám hiểm một lần trong đời chắc tôi sẽ tiếc chết mất. Hành trình này sẽ là một thử thách không nhỏ về cả thể lực và trí tuệ. Tôi dám chắc mình sẽ có những trải nghiệm để đời và rất nhiều kỹ năng sinh tồn quý báu.
Lịch trình khám phá dải đất hình chữ S năm nay của anh là gì? Vì sao lại chọn những điểm đến này?
Trong năm nay, tôi đã đi khá nhiều nơi ở Việt Nam rồi, miền Tây, Hà Giang, Nha Trang… Nửa cuối năm còn lại tôi đang lên kế hoạch chu du đến các tỉnh Bắc Trung bộ. Trước đây, tôi cũng có ghé thăm vài nơi nhưng thú thật là chưa dành đủ thời gian để tìm hiểu, chiêm ngưỡng và khám phá hết nét đẹp cũng như văn hóa tại những vùng đất này.
Đi qua nhiều vùng miền như vậy, tin chắc là anh đã thưởng thức qua không ít sân khấu biểu diễn âm nhạc đặc sắc khó quên. Nếu được chọn một thì đó là tiết mục nào?
Dù đã thưởng thức qua kha khá tiết mục đặc sắc nhưng nếu nói đến màn trình diễn đáng nhớ nhất thì chỉ có một. Đó là lần tôi ghé thăm Hoàng Su Phì và có cơ hội được nghe một cô nghệ nhân người La Chí hát. Cô ngồi trong một căn nhà không đèn nhưng lời ca tiếng hát của cô lại có sức lay động kinh khủng. Không khí và cảnh vật xung quanh hòa với giọng ca đặc biệt của cô đã khiến vài phút thưởng thức tuy ngắn ngủi của tôi lại trở nên rất diệu kỳ.
Anh có thể chia sẻ vài địa điểm nghe nhạc “chill” mình yêu thích?
Tôi đặc biệt thích những nơi có view nhìn ra thung lũng hoặc các địa điểm hùng vĩ nhìn ra biển. Nếu đã ra đến Hà Giang thì chắc chắn tôi sẽ dành thời gian ngồi ở quán cà phê ở Mã Pí Lèng. Không khí mát mẻ, cảnh vật yên tĩnh… tôi có thể ngồi nghe nhạc cả ngày trời không chán (cười).
03 đặc sản vùng miền yêu thích nhất của anh là gì?
Tôi thích nhiều lắm, miền Tây thì có bánh xèo, canh chua, thịt kho và kho quẹt; miền Trung thì bún cá và bún bò, còn Tây Nguyên ưng nhất là gà nướng và cơm lam. Nhưng nếu gọi là yêu ấy, tôi đặt trọn tình cảm cho 3 món ăn đó là canh chua, bún cá và chả mực.
Theo anh thì ngoài phở, bún chả hay những món ăn quá quen thuộc thì đâu là món ăn “quốc hồn quốc túy” mới của Việt Nam?
Việt Nam có rất nhiều món ngon và nếu chỉ liệt kê ra vài món để hình dung cho cả nền ẩm thực thì khá là khiên cưỡng. Nhưng nếu chọn món ăn có tần suất xuất hiện nhiều để giới thiệu về văn hóa Việt Nam, tôi đề cử bánh xèo của miền Tây. Nếu để ý bạn sẽ thấy bánh xèo hội tụ cả âm lẫn sắc. Chúng ta có thể quan sát cách làm và nghe được âm thanh, đặc biệt phần nhân bánh còn được làm rất linh hoạt bằng nhiều đặc sản vùng miền khác nhau. Để làm được một chiếc bánh xèo vừa ngon, giòn vừa không bị ngán là cả một nghệ thuật đó. Trông thì có vẻ “ai làm cũng được” nhưng làm rồi mới thấy khó không tưởng (cười).
Anh có thể chia sẻ tên một làng nghề của Việt Nam mà mình đã từng ghé qua và trải nghiệm? Điều gì ấn tượng nhất với anh ở nơi đây?
Tôi đã ghé thăm rất nhiều làng nghề như: làng nghề làm trầm hương, làng nghề làm khô, làng nghề dệt vải… Mỗi nơi đều mang đến cho tôi những ấn tượng về mùi khác nhau. Nhớ nhất là có một lần tôi “xắn tay” với người dân ở Hà Giang dệt vải từ lanh và nhuộm chàm. Tôi đã dành cả ngày quan sát mọi người làm từng công đoạn. Họ dùng sáp ong vẽ lên vải trắng, tạo nên những hoa văn rất đẹp. Khi hoàn thiện các hình vẽ, tấm vải sẽ được đem nhuộm chàm. Mùi khét và hăng của sáp ong khi được đốt làm tôi vô cùng ấn tượng. Sự tỉ mỉ và tâm tư của họ khiến tôi rất khâm phục. Mỗi một sản phẩm vì vậy đều mang rất nhiều giá trị trong đó.
Ở một số quốc gia khác, du khách không cần phải di chuyển đến tận nơi để mục sở thị các làng nghề, mà sẽ có hẳn workshop được tổ chức thường xuyên tại những địa điểm nhất định. Theo anh, Việt Nam nên có những mô hình như vậy không?
Workshop là sáng kiến hay, không chỉ tạo điều kiện cho du khách, mà còn giúp người trẻ hoặc những người ở thành phố dễ dàng tiếp cận với các làng nghề của đất nước mình. Tôi thấy sẽ càng tuyệt hơn nữa, nếu những người biểu diễn tại workshop đó là các nghệ nhân của địa phương.
Hãy chia sẻ về một chuyến đi trở về thiên nhiên khiến mà anh tâm đắc. Và có một lý do đặc biệt nào không đằng sau ý tưởng ấy?
Chuyến đi trở về thiên nhiên khiến tôi nhớ đến giờ là lần ở ẩn trong rừng thông Đà Lạt. Tôi hoàn toàn tách biệt với thế giới, không có sóng điện thoại, không có 3G, không công việc, không kế hoạch. Phần lớn thời gian là đọc sách, tận hưởng sự an tĩnh và không gian xinh đẹp, trưa sẽ ra vườn hái rau và trái cây nấu ăn, tối thì đốt lửa. Ba, bốn ngày lánh xa cuộc sống thường nhật khiến tôi cảm thấy sảng khoái hơn, tập trung 100% vào việc nuông chiều cảm xúc của bản thân.
Anh sẽ gợi ý một điểm đến thiên nhiên hoang dã nào với mọi người?
Tà Năng – Phan Dũng. Cung đường này đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, đúng như kiểu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Cảnh sắc trên đường đi sẽ thay đổi theo thời gian; mỗi địa hình cũng đem lại những cảnh sắc khác nhau. Không chỉ là một trải nghiệm rất thú vị nên thử, đây còn là cơ hội để chúng ta giao lưu và kết bạn với những người đồng hành.
Nhắc đến giác quan thứ sáu – “cảm giác” trong du lịch, anh sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên?
Mỗi lần đặt chân đến một vùng đất nào đó, gặp và tiếp xúc với người dân địa phương, lòng tôi lại dâng lên cùng một thứ cảm giác, đó là sự cởi mở, gần gũi và thân thiện. Tôi muốn trao đi tất cả sự ấm áp, chân thành và nhiệt tình của mình đến với họ. Và với mỗi chuyến đi, tôi đều có cảm giác phải trân trọng từng khoảnh khắc mình đang trải qua, và bằng cách đó phải chia sẻ và lan tỏa những trải nghiệm tốt đẹp ấy đến với mọi người.
Nơi nào của Việt Nam mà anh nghĩ rằng ai cần phải đến ít nhất một lần trong đời? Và vì sao?
Miền Tây. Còn nhớ cuối mùa nước nổi năm 2017, tôi quyết tâm lên đường đến miền Tây với mong muốn là phải kể với mọi người về miền Tây quê mình không chỉ có mỗi ruộng lúa, cây trái, mà cũng có phong cảnh đẹp xuất sắc, nhiều điều mới lạ và đặc biệt là thấm đẫm chân tình. Bạn nên quan sát, trò chuyện và cho thử công việc của người bản địa, để chắc rằng sau mỗi chuyến đi bản thân sẽ hiểu sâu hơn nơi mình đến.
Cảm ơn những chia sẻ của anh.
The post Travel Blogger Khoai Lang Thang: Quê hương mình xứng đáng để chúng ta hết lòng hết dạ! appeared first on Tạp chí Đẹp.
Phấn nụ bà tùngPhấn nụ
Phấn nụ hoàng cung
Phấn nụ cung đình
số 12 đường C12 (662 Cộng Hòa) P. 13 Q. Tân Bình
https://ift.tt/2LnUlD4
Nhận xét
Đăng nhận xét